(PLO)- Kết nối liên vùng, giải quyết tình trạng kẹt xekhu vực sân bay, cảng biển và cửa ngõ là các dự án trọng điểm mang tính đột phá của ngành giao thông TP.HCM năm 2022.
Năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành giao thông TP.HCM vẫn nỗ lực đột phá với nhiều dự án mới được khởi công và nhiều công trình đã cán đích. Năm 2022 sẽ là một năm đầy thách thức với ngành giao thông TP với hàng loạt nhiệm vụ, kế hoạch được ngành giao thông đặt ra.
Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 để tạo ra các bước đột phá cho ngành giao thông.
Xe cộ lưu thông qua nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG
Nhiều dự án trọng điểm được thông qua
. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tình hình phát triển, đầu tư hạ tầng giao thông trong năm 2021?
+ Ông Trần Quang Lâm: Năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến mọi mặt kinh tế – xã hội, trong đó có ngành giao thông. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP và phối hợp tốt của các đơn vị, ngành giao thông TP đã tập trung khởi công sáu dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đưa vào khai thác chín công trình. Các công trình, dự án này đã góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, bảo đảm GTVT thông suốt.
Năm qua, HĐND TP đã thông qua chủ trương đầu tư các dự án: Xây dựng nút giao thông An Phú; mở rộng quốc lộ 50; đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa.
TP.HCM tiếp tục phối hợp với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án liên kết vùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT như vành đai 3, vành đai 4; cao tốc TP.HCM – Chơn Thành, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài…
. Sở GTVT TP.HCM đã chuẩn bị những gì để sẵn sàng đầu tư, tạo nhiều bước đột phá cho năm 2022?
+ Sở GTVT đã xây dựng và trình UBND TP.HCM ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2030 nhằm xác định kế hoạch ưu tiên đầu tư phù hợp với nguồn lực, khả thi trong từng giai đoạn. Sở xác định các nhiệm vụ và công việc cụ thể mà các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan cần tập trung triển khai theo lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Sở GTVT đề xuất kế hoạch ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực GTVT giai đoạn 2021-2025 phù hợp với nguồn lực đầu tư, với 186 dự án; đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 19,85 tỉ đồng để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho 52 dự án và ba chương trình đầu tư công.
HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết 10 về mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP. Từ đó, sở triển khai thực hiện thu phí, tạo nguồn thu cho ngân sách TP.HCM dành cho đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông.
Sở GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở QH-KT, Sở TN&MT thực hiện rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch và khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường vành đai 3, 4 và phát triển các vùng phụ cận để tạo điều kiện kêu gọi đầu tư các dự án, khai thác quỹ đất tạo nguồn lực phát triển hạ tầng.
Đồng thời, sở tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất như đường trên cao số 1, đường trên cao số 5, cảng ICD Củ Chi, cảng container trung chuyển quốc tế Cần Giờ…
Cạnh đó, Sở GTVT sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang thực hiện như cầu Thủ Thiêm 2, xây dựng bốn tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng BT, dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía bắc và hoàn thiện đường trục bắc – nam…
Tạo bước đột phá cho năm 2022
. Thưa ông, đâu là những dự án mang tính chất đột phá, làm thay đổi diện mạo ngành giao thông trong năm 2022?
+ Ngành giao thông TP phấn đấu khởi công 16 dự án trọng điểm, cấp bách, trong đó có dự án mở rộng quốc lộ 50, xây dựng nút giao thông An Phú, các công trình khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực cảng biển… Đồng thời Sở giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành tuyến metro số 1 và khởi công tuyến metro số 2 trong năm 2022.
Năm 2022, Sở GTVT sẽ chú trọng các dự án kết nối khu – cụm công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển như vành đai 2, cầu đường Nguyễn Khoái, quốc lộ 22, cầu Cần Giờ… Các dự án hạ tầng phục vụ phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông – TP Thủ Đức như cầu Thủ Thiêm 4.
Năm 2022, Sở GTVT cũng tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, hệ thống cảng biển như cảng ICD Long Bình, các cảng biển tiềm năng ở phía nam (như cảng Hiệp Phước và Cần Giờ)… đặc biệt phát triển giao thông thủy kết hợp với Đề án phát triển logistics của TP.
Sở GTVT sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP phối hợp với các tỉnh lân cận hoàn tất chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, kết nối vùng như các dự án khép kín đường vành đai 2, 3, 4; cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành… nhằm tăng cường kết nối giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của vùng.
Huy động mọi nguồn lực
. Vậy Sở GTVT sẽ huy động nguồn vốn ra sao để đầu tư các dự án trên?
+ Sở GTVT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND TP các giải pháp huy động nguồn lực như: Báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận tăng tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của TP. Đồng thời, Sở tiếp tục kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP để tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm, kết nối liên vùng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Hoặc ngành giao thông tham mưu TP đề xuất Chính phủ thu xếp nguồn vốn phù hợp cho TP vay lại để đầu tư phát triển hạ tầng.
Ngành giao thông cũng đề xuất khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai; nghiên cứu, rà soát hiện trạng sử dụng đất. Sở cũng đề xuất điều chỉnh quy hoạch đô thị xung quanh các trục giao thông chính, các tuyến metro, nhà ga metro và vùng phụ cận để tăng hiệu quả sử dụng đất. Từ đó, tạo nguồn thu cho ngân sách từ khai thác hiệu quả quỹ đất phát triển đô thị dọc các tuyến nói trên…
. Xin cám ơn ông.•
Những khó khăn của ngành giao thông
Ông Trần Quang Lâm cho biết: Dịch COVID-19 đã làm giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thực hiện các hợp đồng xây dựng. Nhà cung cấp gặp khó khăn trong việc giao nguyên vật liệu, công tác giải phóng mặt bằng chậm.
Nguồn vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, liên kết vùng đều đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương của TP đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỉ đồng chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu và chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 qua giai đoạn 2021-2025. Do đó, nguồn vốn không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm, cấp bách trong giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các dự án giao thông trọng điểm đã được UBND TP.HCM phê duyệt.
|
https://plo.vn/do-thi/cac-du-an-dot-pha-cua-nganh-giao-thong-tphcm-nam-2022-1036824.html